Từ hồi đi học đại học thì ít phải viết Tiếng Việt hơn hẳn. Có viết thì là khi gửi tin với bạn bè, mà dần dần cũng dùng nửa Anh nửa Việt. Đi làm thì càng ít cơ hội hơn nữa. Thậm chí hẹn hò, người Việt với nhau, mà khi trò chuyện qua mạng hay khi gặp nhau cũng dùng tiếng Anh. Nguyên nhân là vì… tiếng Việt sến quá.
Có mấy dạo cũng thấy buồn lắm chứ ư. Đọc 1984, một chi tiết cốt lõi trong đó là khi ngôn ngữ bị hạn chế dần, thì người ta cũng mất dần đi khả năng suy nghĩ theo những hướng nhất định. Khi mà ngôn ngữ mất luôn đi từ nổi loạn, bỏ hết đi cảm xúc, thì người ta cũng không nghĩ tới nổi loạn, không nghĩ đến cảm xúc nữa.
Giả thiết đó có phần cực đoan quá mức, nhưng cũng có phần nào sự thực trong đó. Nhìn lại sử Việt Nam thì mấy nhà dân tộc cũng nỗ lực, chữ Nôm dù có muôn vàn hạn chế, nhưng đáng trọng lắm. Truyện Kiều được đề cao như vậy, cũng phần nào bởi được viết bằng chữ Nôm. “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn” là theo ý đó, chứ không phải tôn vinh nó quá mức đâu.
Đã có nhiều lần cố gắng để viết Tiếng Việt tốt hơn lắm, nhưng mà khó lắm a. Tại sao vậy?
Một phần là vì không có một chuẩn mực nào rõ ràng. Hồi đó học tiếng Anh, hay lên NYTimes để bắt chước cách viết của họ. Còn viết Tiếng Việt thì sao? Mình dò vòng vòng, thì Tuổi Trẻ cũng tàm tạm, nhưng cũng không thể coi là quá tốt. Còn các báo VnExpress hay Vietnamnet thì trời ạ, kẻ không chuyên như mình cũng bắt một bài báo vài mươi lỗi rõ ràng.
Một ví dụ nữa là không có nhiều tài liệu tham khảo dễ tìm. Kể chuyện lúc đi làm rồi, thứ trần ai nhất là viết thư điện tử bằng Tiếng Việt. Viết một cái thư đơn giản cũng trầy vi tróc vẩy lắm a. Nội mở đầu thư đã không biết viết câu chào thế nào. Rồi kết thư cũng không biết kết sao cho tốt. Hồi đó hay chốt bằng câu “Chào thân ái và quyết thắng”, có đồng nghiệp nhận thư xong hỏi hồi đó em làm Đoàn Đội dữ lắm hả?
Cái khó kế là từ chuyên môn. Mấy chữ quen quen như dự án (project) hay tiến độ (progress), thì không nói. Những từ khi mà mình đụng tới nó lần đầu thì chưa từng tiếp xúc với nó trong tiếng Việt là gây khó nhiều nhất. Tại vì để tạo ra một cái tương quan nghĩa khó lắm a. Hồi đó, giúp bạn dịch mấy tài liệu, đến chết với từ MVP (Minimum Viable Product), tiếng Việt dịch thành “Sản phẩm khả dụng tối thiểu.”
Cái ví dụ dịch chữ MVP cũng điển hình cho một khía cạnh khác: cảm giác sến. Giống như ở trên có nói, hẹn hò chịch choẹt mà xài tiếng Anh là do khi nói chuyện bằng tiếng Việt thấy sến. Nói “I like you a lot” thì dễ, mà nói “Anh thích em lắm” thấy khó làm sao. Nói “Wanna go to my place?” thì cái ọt, mà nói “Lên phòng anh nha” nghe nó sỗ sàng thế nào. Nói “Fuck me harder” thấy nó tự nhiên, chứ phim khiêu dâm tiếng Việt có coi bao giờ đâu, nên nói “Đâm mạnh nữa” xong chắc tụt mất hết cả hứng.
Nhưng mà, cái cảm giác sến đó có thật sự phản ánh đúng không hay chỉ là cảm giác nó vậy? Tiếng Việt có thực sự sến không? Hay là do dùng ít nên mới không thoải mái? Chữ “sản phẩm khả dụng tối thiểu” chẳng hạn, mình đọc lên thấy ngượng vô cùng tận, nhưng tới chừng đưa cho đứa bạn, thì nó hò reo là dịch sát và rõ quá ha.
Quanh đi quẩn lại, xài tiếng Việt chủ động hơn khó thì có khó, nhưng cũng không phải chuyện không thể. Đặt mục tiêu là trăm phần trăm thì là chuyện vô năng, nhưng chọn đúng môi trường, đúng hoàn cảnh, để dùng tiếng Việt cho tốt thì phải làm cho được.