Chuyện trời sanh voi, trời sanh cỏ, hay là chuyện anh bán sách thích đọc thơ

Hồi học cấp 3, tan học hiếm khi nào về thẳng nhà lắm. Hay đạp xe lang thang. Trên đường Điện Biên Phủ chiều tan tầm xe đông nghẹt, đi xe đạp luồn lách vậy mà nhanh hơn xe máy.

Dọc đường, có mấy anh chị bán sách. Toàn sách mới, giá rẻ hơn mua trong nhà sách nhiều. Tại mấy anh chị bán sách lề đường này với mấy tiệm sách cũ trên Trần Nhân Tôn mà mà túi không bao giờ có tiền. Tiền ba mẹ cho, tiền đi làm thêm, vung hết vào sách. Kệ vừa đủ chứa tập sách ở trường, nên mớ sách bâng quơ không ích gì cho đời chất thành từng chồng trên giường. Đêm nằm vươn tay lấy ngẫu nhiên là có cái gì để đọc.

Không có tiền mua, nhiều khi cứ dựng xe lên lề, rồi ngồi bệt xuống mượn sách mà đọc. Anh bán hàng thấy khách quen, lại là học sinh, nên cũng không trách, còn cho mượn ghế. Dù thích ngồi bệt tựa gốc cây hơn, nhưng anh cho mượn thì cũng ngồi.

Có lần, anh hỏi quê mình ở đâu. Rồi anh kể chuyện nhà. Mình mải đọc sách nên cũng nghe câu được câu mất, mà anh có vẻ cũng không màng chuyện đó lắm. Chắc tại anh cũng thèm có người nói chuyện cùng.

Mình nhớ, trong bao nhiêu là chỗ bán sách lề đường, thích ghé chỗ anh vì một lý do bâng quơ lắm. Là một hôm đang giả bộ lựa sách để tranh thủ đọc ké, thì thấy anh lẩm nhẩm, “Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,… Chí làm trai nam bắc đông tây,…”

Thì ra là bài Chí Làm Trai của Nguyễn Công Trứ.

Mới biết anh thích thơ lắm. Dù học hết cấp 2 thôi, nhưng mà thơ thì anh thuộc nhiều. Thuộc hết cả Kiều và Cung Oán. Mà bài anh hay ngân nga nhất, thì là bài ở trên. Nghe thêm anh kể, thì thích vì đọc sướng miệng thôi, chứ cũng không phải anh định làm nên tiếng anh hùng dời núi lấp sông gì đâu. Anh nói mấy cái đó là để người học nhiều. Còn anh, thì kể đi kể lại, đàn ông bình thường như anh là phải có gia đình, phải nuôi được gia đình, vậy là đủ rồi.

Rồi anh kể chuyện lúa thất bát. Chuyện làm tôm không nên. Chuyện không đủ đất để làm. Thành ra bỏ quê rồi lạc lên đây. Mình thì mải đọc sách thôi, lâu lâu, lại học theo cách Chu Bá Thông dạy Quách Tĩnh, hỏi tiếp, “Rồi sao nữa anh?”

Thì anh lại kể tiếp. Chuyện nào cũng xoay quanh cơm áo gạo tiền. Chuyện nào anh kể nghe cũng buồn. Mình cứ đều đều, “Rồi sao nữa anh?”

Rồi cuối cùng, anh sẽ kết bằng một câu muôn thuở, “Còn sao nữa em, thì trời sanh voi, trời sanh cỏ mà.”

Mà không phải riêng anh.

Cô bán bánh mì hay ghé ăn, không chồng nuôi đủ năm con. Cô bún riêu không chồng con, nhà không có gì kể, nhưng biết rành rẽ chuyện cả chợ. Chị gái bán mì đêm đêm, bếp lửa đỏ ửng thêm tươi mái tóc huyền.

Một khi thành quen, thì họ thích kể chuyện lắm. Họ toàn kể chuyện buồn đứt ruột, nhưng mà cái kết nào của họ cũng lạc quan. Họ không kết bằng trời sanh voi, trời sanh cỏ, thì họ kết bằng câu “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.” Họ không tin vào đời họ, thì họ tin vào đời con, đời cháu.

Họ đơn giản là lạc quan. Lạc quan đến ngây thơ và có lúc buồn cười. Cười xong, nhận ra mình có hơn gì họ đâu. Họ lạc quan vô cớ. Còn mình bi quan vô cớ. Cũng thế thôi.

Dạo này, ít đi lại hơn bình thường một chút, thành ra nghe nhiều thứ vớ vẩn linh tinh. Bạn bè, người thân, người kết nối trên mạng xã hội, dạo này ai cũng than thở nhiều. Tự nhiên nhớ mấy chữ “cuộc xoay vần”, cảm giác mang máng là trong một bài thơ nào đó, nhưng không nhớ được. Thấy người nào cũng nói, năm nay sẽ có thay đổi lớn. Người này thất nghiệp. Ngành này thất bát. Chính trị gia nói một đằng. Nhà kinh tế nói một đằng. Người bình dân lại nói thêm vài đằng nữa.

Cách ly xã hội, nên không có dịp gặp. Mà có muốn chắc cũng không tìm được anh bán sách thích đọc thơ ngày nào. Chỉ thèm hỏi anh, “Rồi sao nữa?”

Đặng nghe lại câu muôn thuở của anh, “Còn sao nữa em, thì trời sanh voi, trời sanh cỏ mà.”

Nghe nó buồn hiu buồn hắt, mà nó cũng nhẹ tênh, thành ra buồn mà lòng vẫn lâng lâng.

Tại trời không sanh cỏ, thì voi chết, trời vẫn còn. Có khác gì đâu.