Mình hay bị bạn bè nói là thờ ơ. Tại hay nói là “không quan tâm”, “không cần thiết”, và nhất là “chân phương thôi.” Mà thực ra không phải là thờ ơ. Chủ yếu hay quan tâm những thứ bâng quơ (với người khác) thôi. Thành ra cũng cuồng tín lắm, mà toàn bị nói là thờ ơ.
Ví dụ, hồi đó coi phim gì đó quên rồi, có chi tiết giết người bằng con dao bằng băng, tạo ra vụ án hoàn hảo không có án khí. Coi xong cả đêm không ngủ. Không phải tại sợ. Không ngủ vì tò mò là con dao bằng băng có giết được người không? Mấy thứ này không phải dễ kiểm nghiệm được, nên chỉ đành dựa vào việc nghiên cứu mấy số liệu có sẵn.
Đầu tiên tự hỏi, bị dao đâm có dễ chết không đã? Và đâm vào đâu thì dễ chết nhất. Lúc đó mới tìm kiếm về những tai nạn liên quan tới vết thương do bị đâm và nhất là những trường hợp cụ thể. Thì thực ra xác suất tử vong do dao đâm khá là thấp. Khoảng 5% thôi (súng chẳng hạn, là 20%).
Cũng có nghĩ, có khi nào bị bias không. Tại nhiều khi người bị dao đâm chết luôn thì không có vô bệnh viện, bị thương “nhẹ” hơn thì mới vô rồi chết ở đó thì sao? Kiểu hồi chiến tranh thế giới, cũng có vụ mấy ông sĩ quan nghiên cứu máy bay. Mọi người chỉ quan tâm phân tích vết đạn ở những máy bay quay về được căn cứ, một ông chỉ ra: vậy là đang không tính mấy chiếc bị bắn rớt luôn ngoài kia rồi.
Thành ra chuyển sang coi thêm mấy số liệu về các vụ án. Thì thấy tỉ lệ còn thấp hơn 5%. Phát hiện thêm là bị dao đâm nhiều khi còn không cần đi bệnh viện. Và đâm hụt cũng nhiều lắm.
Ngâm cứu thêm một mớ số liệu nữa thì ra kết luận là: dao đâm khó chết, đâm một lần thì gần chắc là sẽ cứu kịp. Chết thì chết vì mất máu là chính, nên đâm xong nửa ngày sau không ai cứu thì mới có hy vọng chết. Và thường chết ngay là khi bị đâm tầm vài chục phát thôi.
Vậy là giải quyết được một câu hỏi. Câu kế là con dao bằng băng có đâm lủng được da không? Và nếu đâm được thì đâm bao nhiêu nhát?
Nhờ vậy mà biết về một đống thông tin mới. Ví dụ chỉ số độ cứng, độ nặng trung bình của các loại dao phổ thông, độ cứng của băng dựa trên độ tinh khiết, vân vân và vân vân. Không bổ ích lắm, nhưng khá là thú vị. Làm nhớ lại thời đi học cấp 3.
Chung cuộc là khó lắm. Dao bằng băng thường không đủ cứng. Cố lắm thì chắc có thể đâm vào một số chỗ mềm nhất, và chắc tầm 4, 5 cây gãy mới được một phát.
Lúc đó mới nghĩ, vậy nếu không phải hình dáng dao thông thường, mà kiểu cây băng nhọn thôi thì sao?
Hên là cái này dễ kiểm nghiệm hơn, vì những nước giá lạnh thì sẽ có trụ băng (icicle), và khảo sát nhanh thì có khá nhiều tai nạn xung quanh tới nó. Thì mới phát hiện ra là số vụ tai nạn cũng nhiều, nhưng sát thương thì ít. Và không có vụ nào bị trụ băng đâm chết cả. Tại sao?
Tại thường sẽ chết vì hai lý do: trụ băng rớt xuống đập chết, hoặc vết thương bị băng đâm vào, nước tan ra, những loại vi khuẩn đặc biệt độc hại đang “ngủ đông” lan vào máu. Rồi chết.
Lúc đó đang thất vọng, chợt nghĩ ra, ủa, câu trả lời tìm kiếm ở đây chứ đâu. Dao băng đâm người không chết. Nhưng mà một cục băng khổng lồ, rồi làm thế nào cho dễ cầm, thì đập người tới chết cũng được. Chưa kể làm cục nước đá bự thì dễ, còn lại cục nước đá hình con dao nhọn thì khó lắm. Kiểm tra nhanh mấy thông số theo cùng cách kiểm tra dao bằng băng thì tương đối khả thi.
Kết luận cuối cùng là nếu bạn thực sự có kế hoạch giết người rồi phi tang hung khí bằng băng, thì đừng dùng dao băng. Hãy dùng truỳ băng.Mấy hôm nay đọc tin, thấy ghi có chuyện người tử nạn vì người phóng dao từ xa. Không kém Tiểu Lý Phi Đao lắm. Bất giác nhớ chuyện con dao băng ngày nào. Đúng là chó già không học được trò mới, tật cũ khó bỏ mà.