Chuyện tái chế

Dân ta hay tự phê rằng người Việt không có văn hóa và ý thức về tái chế rác thải. Hay kêu gọi học tập Tây hay Nhật.

Mình thì thấy người Việt có tập quán tốt sẵn đó chớ. Cái cần học thêm thì học, nhưng mà cái có sẵn, dù chưa thể hiện thì nó cũng đâu đó trong máu rồi. Nếu phát huy thì tốt lắm. Như bài báo này, đọc qua thì về một cách kinh doanh hay, lợi cho kẻ bán lẫn người mua, nhưng ngẫm kỹ, thì nó là ví dụ tốt về mô hình kinh doanh bền vững, giảm rác thải, bảo vệ môi trường đó.

Hồi nhỏ xíu xìu xiu, thuở mình còn hái cỏ quấn làm kèn thổi toe toe chứ không phải vấn cỏ hút như thời nay, cứ vài nhà lại có một nhà nuôi heo, nuôi gà trong nhà. Mấy nhà đó thường đi hỏi xin đồ ăn thừa khắp các nhà hàng xóm. Bà con hay giữ đồ thừa lại, cuối ngày có người vác xô đến lấy.

Thì thật ra chăn nuôi trong khu dân cư làm ô nhiễm cả về âm thanh và không khí, cũng không đáng khuyến khích. Nhưng mà bỏ cái phần đó đi. Lưu ý cái phần là bà con họ sẵn sàng giữ rác thực phẩm lại, để người khác đến thu kìa. Họ cũng không quá ngại dơ bẩn gì đâu. Chỗ mình đang ở, còn để một cái xô to, để hàng xóm tùy duyên mà đổ đồ ăn thừa vào. Mà họ cũng không phải bỏ rác lung tung vào đó, mà là rác vật nuôi ăn được. Trùng hợp thay thì đó cũng là loại rác thực phẩm tái chế được đó.

Cái ví dụ ở trên thì chỉ lo được khúc cuối. Nhưng mà thực ra rác thực phẩm phần lớn phát sinh là ở khúc đầu, khúc dây chuyền sản xuất, vận tải, chế biến. Ở xứ Anh Cát Lợi, họ chạy chiến dịch ăn “rau xấu”, mấy loại củ quả không được đẹp, có sẹo, hay hơi trầy chỗ này chỗ kia, nhưng chất lượng thì không khác hàng chính phẩm là mấy. Thương lái vẫn chê không thu bán. Họ mở riêng chuỗi cửa hàng cho mấy bạn rau củ quả “cái nết không đánh chết nhưng cũng không thua cái đẹp.”

Hôm rồi, có đọc một bài báo về mấy xe laghim vỉa hè. Mấy cô bác chịu khó đi ra chợ đầu mối, lựa mấy trái cây, rau củ quả hơi xấu xí chút, rồi mua lại rẻ hơn. Họ làm vậy, cũng có khác mấy mấy chiến dịch ở trên đâu. Họ cũng lựa hàng bị cho là thứ phẩm, nhưng bỏ đi yếu tố thẩm mỹ, thì chất cũng không kém mấy. Họ đem bán cho những người cũng không trọng yếu tố thẩm mỹ. Một ngày họ cứu được hàng trăm tấn rau củ quả không bị biến thành rác thải chứ có phải chơi đâu.

Quen thuộc nhất chắc là mấy bác ve chai lông vịt. Nhà nào, thành thị hay thôn quê, Tết đến cũng dọn nhà. Một năm 365 tờ nhật trình, 52 tờ tuần báo, 12 cuốn nguyệt san, và vài ba cuốn lịch. Thêm vô số kể giấy tờ, bìa carton, bàn ghế cũ hư hỏng. Trong bếp thì lòi ra thêm một mớ chai lọ lỉnh kỉnh, nước tương, nước mắm, dầu ăn, chai nước, chai bia, vân vân. Nhiều khi chưa Tết nhà đã đầy, tại mấy thứ này hồi xưa ít ai tùy tiện vứt ngoài bãi rác lắm. Chỉ có ngóng ngoài cổng, đợi tiếng rao, “Ve chai lông vịt đây…”

Mà cũng không cần ai dạy, không cần học bên Gia Nã Đại hay Huê Kỳ xa xôi. Tự người ta biết cách phân loại, buộc kỹ, để vô một xó. Và tới lúc mấy cô bác ve chai lông vịt tới, họ cũng phụ phân loại lại. Nhật trình 200 đồng một kí. Nguyệt san giấy láng, bán được 500 đồng. Có mấy gia chủ siêng năng và kỹ tính, họ tách bìa riêng, ruột riêng, tại hai thứ bán giá khác nhau. Chai nhựa loại này nhựa xấu mỏng te giá khác. Loại này nhựa tốt hơn giá khác. Cái bàn này còn sửa xài lại được, giá khác. Cái ghế này chỉ có nước phá ra làm củi, giá khác. Cân đo đong đếm cả buổi có khi người bán cũng đủ tiền cho nồi thịt kho Tết, hay bèo lắm cũng đổi lại được hũ dưa giá. Người mua thì mừng mừng tủi tủi. Buôn ve chai một tháng Tết, bằng 11 tháng trong năm cộng lại. Mà tiêu xài một tháng Tết, cũng bằng tiêu xài 11 tháng trong năm. Một nhà vài mươi kí ve chai, thì mấy cô, mấy chú ve chai lông vịt từ Cà Mau ra tới Hà Giang, mỗi năm cứu hộ được bao nhiêu tấn rác?

Hồi đi mần ở xứ Tân Gia Ba, thì biết là cái chi phí cao nhất trong dây chuyền xử lý rác của họ là khâu tập trung và phân loại. Cũng là khâu khoai nhất. Có cả cái nhà máy xử lý rác thực phẩm triệu đô phải đóng cửa vì chi phí phân loại và tập trung cao quá. Còn ở Việt Nam, mấy mươi năm thì việc tái chế vẫn chủ yếu rao bài phân loại rác.

Nhiều khi nghĩ thay vì bỏ cả ngàn tỷ đồng làm công tác tuyên truyền chung chung, thì nhín nhín lại một tí làm mấy trung tâm hỗ trợ mấy cô chú ve chai lông vịt, để họ giúp tập trung rác về một nơi, chỉ họ thêm cách phân loại cho hạp ý cái máy tái chế. Mình thì giúp họ một đầu ra ổn định, lợi cả hai bên.

Quanh đi quẩn lại, mấy cái xài ít lại, xài lại, tái chế (Reduce, Reuse, Recycle), nó nằm sẵn trong hai cái tính cách truyền đời của người Việt chứ đâu xa, cần kiệm với lại thực dụng. Mấy chiến dịch xứ mình hay chỉ quan tâm tới tuyên truyền trong quần chúng, trong khi mấy cô chú vài mươi năm kinh nghiệm trong mảng tái chế này với vô vàn động cơ và lợi ích trước mắt để làm tốt hơn thì ít khi được lo tới quá.

Buồn ghê.