Chuyện nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Có dạo tối nào cũng nghe Thái Thanh rền rĩ, “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi,…”

Thích nên nghe thôi, chứ thực ra không nhớ được bắt đầu yêu tiếng nước mình bao giờ. Mà cũng không chắc ngay lúc này có đang yêu không nữa. Hay thậm chí có lúc nào yêu chưa?

Thấy giống kiểu thân thuộc hơn. Lang thang nước ngoài chợt nghe câu tiếng Việt nó thấy hơi hơi ấm lòng. Như cái bồn cầu buổi sáng, hay cái giường về đêm. Đặt người xuống là thấy thoải mái. Chứ không hẳn là yêu. Hay có khi như vậy là yêu không chừng? Nhưng thôi, không phải lúc để hỏi yêu là gì.

Mà cũng không nhớ được lúc nào thì mình biết mình là người Việt. Chắc tầm 4, 5 tuổi gì đó, khi bà ngoại dẫn đi tảo mộ, rồi kể chuyện nhà mình gốc Hoa. Theo lý thì để biết mình gốc Hoa thì phải biết mình là người Việt trước. Thành ra đoán mài mại thế, là trước đó phải biết mình là người Việt rồi. Hồi nhỏ nhít cũng không nghĩ ngợi nhiều lắm.

Trường học thì suốt ngày dạy về yêu nước thương nòi. Mấy năm đầu thì thằng Tàu là thù. Mấy năm sau thì thêm thằng Mỹ, thằng Pháp. Khúc cuối thì mới có thêm thằng Liên Xô là bạn, còn thằng Tàu cũng hóa thù thành bạn. Mình thì đầu óc có bao giờ ở trong mái trường, toàn đi mây về gió, sống trong cái huyện nhỏ hẹp, cũng không tưởng tượng được cái chữ S như thế nào. Chỉ biết cái ngã tư đèn xanh đèn đỏ, cái chợ ven sông, cái trường sân đất. Lâu lâu biết Sài Gòn có nhà sách to, ngồi cả ngày đọc không hết. Biết nhiêu đó thôi.

Lên đại học, đi nước ngoài. Bắt đầu có cảm giác mình là người Việt hơn một chút. Tại mỗi người mỗi khác. Tiếng nói khác. Phong tục khác. Đồ ăn uống cũng khác. Nhưng lâu ngày thì rồi lại quên mất là khác chỗ nào.

Theo kiểu Kiều Phong, trong bài ca cổ, “sống ở Tống thấy không phải Tống dân ai cũng người tốt, ở đất Liêu mới biết đất Liêu không thiếu kẻ thương người”. Ở năm đầu thì thấy khác. Từ năm sau này thấy có khác, nhưng mà cũng không khác mấy. Tại vì nói cho cùng thì một người cũng chỉ quen biết được có từng ấy người thôi. Mà định kiến và cảm xúc đã lùa ta đến với những người gần như ta mất rồi. Tiếng Việt có câu thành ngữ gốc Tàu là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Tây có câu chim cùng loại lông thì thích bu vô nhau. Chung quy vẫn là bài muôn thuở của “chúng ta” vs “họ”.

Hay thấy nói khi chết thì ai cũng nằm dưới sâu 3 tấc đất, rồi cũng như nhau. Mình thì tự nhủ không cần đợi lâu vậy. Lần đầu chịch một bạn nước ngoài, tưởng có gì lạ lắm, xong rồi cũng không thấy gì khác, cũng hụt hẫng. Chịch bạn người Việt, Sing, người Ấn, rồi da trắng, da đen,… quẩn quanh cũng không thấy khác. Đợi yên ngủ ngàn thu rồi mới biết giống nhau thì muộn quá. Cứ tắt đèn lên giường với nhau là đủ thấy không có gì khác nhau rồi.

Nên nhiều khi cũng quên mất. Không phải quên mình là người Việt. Quên không bao giờ nghĩ tới người Việt nghĩa là sao? Quên không nghĩ ra được rốt cuộc nước là gì? Coi phim The Terminal, thấy ông trung niên mất nước lạc giữa sân bay, tự nhiên thấy ông ấy cũng có lạc loài nhiều hơn mình là mấy đâu?

Cuối cùng, cái mác người Việt, ngoài chuyện thỉnh thoảng có một số cái tiện lợi và vô vàn cái bất tiện nho nhỏ, thì cũng không để tâm tới nó cho đặng. Nhiều khi thấy mệt mỏi khi nghe mấy chữ “tự hào dân tộc”. Mà cũng mệt không kém khi nghe “nỗi nhục của nước nhà”. Mệt, tại mỗi lần nghe, lại tự hỏi, nước là gì?

Nó cũng giống kiểu mỗi lần mình nghe ai đó nói về tôn giáo vậy. Cũng ghen tị chút đỉnh vì họ có đức tin, nhưng mà cũng không bao giờ đủ động lực để nghĩ nhiều hơn.

Tự nhiên mấy năm nay, có vẻ chủ nghĩa dân tộc nó trào lên trên toàn thế giới. Chắc một phần vì hệ quả của toàn cầu hóa. Người ta càng lúc càng gần nhau hơn, thành ra người ta sợ. Tại càng gần nhau, thì càng bộc lộ cho nhau hơn. Như hai người muốn yêu nhau mà không dám để cho người kia có quyền làm mình tổn thương. Thành ra, cái câu lẩn quẩn, nước là gì, nó xuất hiện trong đầu nhiều hơn.

Rồi cũng đọc, cũng nghiên cứu. Cũng nhận ra khái niệm nước cũng là một phát minh. Như tiền vậy. Không phải là tự nhiên mà có, nhưng mà cội rễ thì sâu xa đến mức ai cũng coi là hiển nhiên rồi. Mà nhận ra điều đó thì càng thấy quẫn bách hơn. Nước là gì? Nếu không có khái niệm nước, thì thay thế bằng khái niệm gì? Có ngày nào đó khái niệm nước sẽ không còn nữa, chỉ còn người với người với nhau không? John Lennon kêu tưởng tượng không có thiên đàng, không có địa ngục. Hai cái đó dễ. Không có tôn giáo cũng dễ. Tại ba cái đó mình đã có tin bao giờ đâu. Nhưng không có quốc gia. Không có nước thì sao?

Mấy hôm nay nghe chuyện 39 người Việt chết đông trên xe tải buôn người vào Anh. Người thì nói cái đó là nỗi đau của dân tộc. Kẻ gọi đó là nỗi ô nhục của nước nhà. Báo ta thì lên án bọn buôn người. Báo Tây thì nói về góc khuất phía sau hào quang phát triển của Việt Nam. Còn mình chỉ tự hỏi, người Việt là gì? Họ là ai. Họ có khắp ở quanh mình. Mình nhìn thấy họ. Mình cũng là người Việt. Người Việt là người từ nước Việt mà ra. Nhưng nước là gì? Không biết nước là gì, thì làm sao biết nhà là chi, mà người dân thì hiểu thế nào cho đúng nữa?

39 người chết đó, nó ngẫu nhiên. Dẫu có tính nó chỉ là bề nổi của một tảng băng lớn hơn. Dẫu có thể tới vài ngàn, hay chục ngàn người theo con đường như 39 người đó, dù có vài trăm, hay vài ngàn người cũng nhận cùng chung cuộc tương tự, nhưng không ai biết ai hay. Thì bỏ đi yếu tố dân tộc, nó cũng chỉ là chuyện người với người. Bao giờ mới vượt khỏi vòng vây “chúng ta” vs “họ”?

Cũng muốn “yêu tiếng nước tôi” lắm, mà nước là gì còn không biết, thì mần sao mà yêu cho đặng? Không lẽ lại theo cái triết lý cũ xì, chuyên dùng cho chuyện tình cảm lứa đôi, là “Tôi không yêu em vì lý do gì, trừ lý do là tôi yêu em” (I do not love you except because I love you)?

Nhưng em thì xác thịt rõ ràng, yêu cũng dễ lắm, còn nước là cái chi chi, nào đã hiểu rõ ràng được để mà yêu? Nước ơi?