Chuyện ngày mai trời lại sáng hay là chuyện đất trời dối gian

Hồi nhỏ xíu coi phim nhiều lắm. Ngoại trừ đọc sách với xem phim cũng không có thú vui gì nhiều. Thời đó không như bây giờ nên không phải cứ muốn coi là gì cũng được. Coi phim có hai nguồn chính thôi, một là chiếu trên truyền hình, hai là thuê băng về coi. Lựa chọn sau thì thường lễ hay tết gì thì mới có cớ, còn bình thường thì chỉ đợi truyền hình chiếu gì coi đó thôi.

Giờ chiếu phim hay coi nhất là giấc 5 giờ tới 7 giờ chiều trên HTV7, ở giữa có một đoạn thời sự ngắn. Cái này ngay giờ cơm, cả nhà vừa ăn cơm vừa coi. Xong phim lại có chiếu hoạt hình nữa. Hồi cấp 2, học buổi chiều phải ráng về nhanh thật nhanh để kịp coi phim, tại giờ chiếu lại hình như là buổi sáng, lúc đó đi học, không coi được.

Thời đó còn nhỏ, vô tư vô lự, thành ra phim dài, phim ngắn, phim buồn, phim vui gì cũng coi được. Coi Sinbad hám cả Sinbad lẫn Maeve. Coi Superman thì chỉ mê Clark Kent thôi. Xen kẽ mấy phim vui vui vô thưởng vô phạt chủ yếu để ngắm diễn viên đó cũng có nhiều phim buồn. Nhớ nhất chắc là Ngày mai trời lại sáng.

Nhớ phim thôi, chứ không phải nhớ chi tiết. Không hiểu sao bao nhiêu cái không nhớ lắm, chỉ nhớ đoạn lấy vải vụn may thành áo gối đem bán kiếm tiền. Và nhớ cái tựa phim, tại nó dễ thành câu cửa miệng. Rằng thế nào thì thế, “ngày mai trời lại sáng.”

Mỗi lúc lớn lên, đời không làm khó mình lắm, nhưng tự mình làm khó mình thì nhiều. Nên nhiều khi đường đời thì rộng mở, nhưng mà tự thân vẫn đâm đầu vô ngõ cụt. Lắm lúc ngày chưa tắt mà trời như đã tối. Nhưng cũng lẩm bẩm, “ngày mai trời lại sáng.” Ngoài câu đó ra, có thêm câu nữa, không biết từ phim nào, là “đường đến chỗ cùng, đường tất rẽ.” Lớn chút nữa, đọc Kiều, rồi đọc Kinh Dịch, thì đắm đuối mình trong mấy chữ “âm cực, dương hồi.”

Thành ra ý chí yếu đuối, nhưng mà lần mò cũng sống được qua ngày đoạn tháng. Tại lúc đó chỉ nghĩ tới sống, chưa nghĩ tới tận cùng của sống là gì. Cho đến hồi lớn hơn chút, biết chuyện bướm ong, biết yêu người ta chỉ vì yêu người ta chứ không vì cớ gì hết.

Thành ra quen một người. Rồi người ta mất đi. Tại theo luật lá rụng tụ lại rồi tự có tán ra. Tự nhiên nghe tiếng quạ kêu, rồi nhận thấy âm cực, nhiều khi đứt luôn. Không có dương hồi. Bĩ cực, rồi tắt luôn, như cái đêm tối trời như mực của chị Dậu, không có thái lai. Đường đã thật cùng, không có rẽ nữa.

Thì ra nếu có ngày mai thì trời sẽ lại sáng. Nhưng nếu không có ngày mai, thì cũng không có trời sáng. Khi ta hết, thì trời kia cũng hết. Vì “còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi.”

Cái ngày mai trời lại sáng đó giờ hóa ra là cú lừa lớn nhất đời. Giống như “Cái bánh là lời nói dối (“The cake is a lie.”) Tại cái trời lại sáng đó, điều kiện cần là phải có ngày mai. Mà ngày mai thì tưởng như tất nhiên đó, mà thực ra có phải là tất nhiên đâu. Dù cho giờ còn ta, còn trời, còn đất, còn ngày mai, còn lại sáng, thì nó không còn là quy luật bất biến nữa. Có ngoại lệ cho người khác, thì cũng có ngoại lệ cho ta.

Từ lúc nhận ra trời lại sáng hóa ra chỉ là lời nói dối đến nay, là được 2 lần cái 7 năm. Cũng là một số lớn ngày mai, trời sáng đã qua. Nhưng mà dần dà cũng quên hết, không để ý nữa.

Tại nhận ra không cần trời sáng cũng không cần đường phải rẽ. Trời không sáng, đường đã cụt rồi, vẫn có thể ngồi đó trong đêm mà ngắm trời, ngắm đất, ngắm mình. Còn không muốn ngồi lại, thì cứ đi thôi. Trời không sáng thì thắp đèn. Đèn không thắp được thì đi trong đêm. Đường cụt thì mở đường mà đi. Không cần ngày mai hay ngã rẽ.

Tại không quan tâm hạn định, thì đâu còn cần phải dùng ngày hay đêm để đếm. Còn không quan tâm đi về đâu, thì dẫu có đi đâu cũng thế, đặt bước chân lên đâu, thì đó sẽ là đường mà.

Hình minh họa một buổi ở Đông Ngạn Viên xứ Tân Gia Ba, có đường nhưng không định chỗ đến, có đêm dài, nhưng không mong trời lại sáng.