Hồi nhỏ, lúc nào cắt tóc cũng được bà ngoại dẫn đi. Cũng ra đúng tiệm hớt tóc dọc bờ sông, đúng ông thợ đó hớt. Có lần ngoại không khỏe, ba dẫn đi hớt, mình cũng không thích lắm, rồi lấy kéo tự tỉa lại. Thành ra nham nhở, ngoại mắng ba, còn mình cũng giấu luôn. Tội ông thợ cắt tóc bị mang tiếng oan.
Ngoại mất, cũng không cần ai dẫn đi cắt tóc nữa. Chỉ là cũng không biết tóc thế nào là đẹp. Nên bảy tám năm, từ cấp 2 đến cấp 3 ra tiệm cũng chỉ biết nói, “Cắt gọn lại là được.” Càng về sau lại càng lười, cái răng quan trọng thì hiểu, còn tại sao cái tóc là gốc con người thì chắc đến giờ cũng không biết.
Thành ra lên cấp 3 xa nhà, lâu lắm mới đi cắt tóc một lần. Tóc dài ra, không xoăn tít, xoăn vừa phải thôi, nhưng cũng xù khắp mọi hướng, cũng gần được một mái afro lắm. Mấy bạn cấp 3 nhìn riết rồi quen. Có hôm tự nhiên hứng lên, chải tóc rồi mới đi học. Cả lớp trố mắt nhìn như là chuyện lạ lắm.
Đến Tết năm 11 thì lười quá đỗi rồi, nên ra tiệm nói, “Cạo trọc cho con luôn.” Ông thợ đắn đo, hỏi đi hỏi lại mấy lần rồi mới dám xuống tay. Về nhà, ba má sợ hết cả hồn. Ba xách xe ra tiệm hỏi tội ông thợ, còn mẹ thì quyết tâm không cho ra khỏi nhà cho đến hết Tết. Tại mẹ nói, chỉ có hoặc đi lính, đi tù, hay đi tu thì mới cạo thôi. Cái tóc là gốc con người, cạo đi là hư hỏng.
Tự nhiên nhớ tuồng “Nửa đời hương phấn”, có khúc cô The kể chuyện hai lần cắt tóc, từ mái tóc dài thời ngây thơ, cắt lần đầu sang mái tóc ngắn thuở hương phấn lạc lầm, rồi lần thứ hai cắt sạch đi tu. Chỉ là mình thì không tu.
Được cái là Tết năm đó sướng lắm, không phải đi thăm bà con hay đâu hết. Ở nhà thôi. Cũng hơi tội ông thợ cắt tóc, cũng không nhớ rõ có phải cùng một ông năm xưa không.
Hết Tết, đi học lại. Nhớ giờ đầu tiên là giờ Thể Dục. Một bạn cùng lớp ngây thơ hỏi, “Hồi mới cạo sạch, có thể dùng đầu ông soi gương được không?” Vô trường, mới phát hiện một anh lớp trên cũng cạo cùng đợt, thầy Bé giám thị hỏi, “Chuyện gì mà hai đứa bây cùng cạo vậy?” Giờ ra chơi cũng lò dò lên dòm lén anh lớp trưởng lớp A, coi có duyên gì không, mà tiếc là không có. Tới giờ Lý thầy Tường, thầy nhìn đầu trọc của mình, rồi phán, “Thằng này học quá rụng hết tóc rồi mấy đứa ơi, thôi cho 10 điểm.”
Từ lúc đó, cũng chết luôn tên là Sư Dâm. Sư là vì cạo trọc, còn Dâm thì không biết từ đâu ra. Niềm vui lớn nhất là, mỗi lần có đứa nào nhờ chuyện gì mà làm không được, thì mình có thể phán, “Nhờ tao chuyện đó có khác gì hỏi ông sư mượn lược.” Lần đầu bè bạn cười. Mấy lần sau tụi nó nhàm, nhưng với mình thì đã thành câu cửa miệng nên cũng kệ.
Đi đại học xa xứ, càng ít người quản chế, nên năm đầu tóc trổ ra bốn phương tám hướng, chẳng khác dạo lớp 10. Nửa năm về VN thì cắt một lần. Bác thợ quen lần nào cũng cười, tại mình hay lấy cớ hớt tóc ở nước ngoài đắt lắm, nên đợi về Việt Nam mới cắt. Nhưng thực ra là lười thôi.
Lên đến năm 3 thì một hôm lang thang chợt nhận ra là tông đơ giá chỉ có 15 đồng, trong khi cắt tóc ở Sing bèo lắm cũng 5 đồng (về sau có thêm tiệm 2 đồng). Nhẩm nhẩm, xong rồi mua luôn. Năm 3, năm 4, không đi hớt đâu nữa, chỉ lâu lâu cầm tông đơ xoẹt xoẹt vài nhát. Làm thêm luôn dịch vụ xoẹt xoẹt giúp bạn bè. Nhớ có một đứa tóc xoăn tít, cứng ngắc, làm kẹt cả tông đơ, phải lấy kéo ra chữa, rồi nhìn nhau dở khóc dở cười. Mẹ cũng biết mình cạo, mà giờ ở xa, nên cũng không nói gì nữa. Về quê vẫn thoải mái đầu trọc vô tư cùng bạn bè đi khắp nơi.
Bẵng đi mấy năm, tông đơ để lại ở Sing, đầu cũng bù xù, nhưng đi mần rồi nên cũng bù xù ở mức vừa phải thôi. Rồi một ngày nọ, sang Sing lấy lại đồ, lục trong đó ra cái tông đơ, lâu không dùng nên đã hỏng mất. Chợt sờ lên đầu, rồi cũng nhớ.
Cái răng cái tóc, làm gốc con người. Nhưng có một cái cũng đủ gốc rồi, nên lại mua tông đơ, lại chia tay các bác thợ cắt tóc, lại đều đều tự đè đầu mình ra cạo. Lại quay về làm sư, đúng kiểu sư ăn thịt, uống rượu, chơi trai, chơi gái, chơi game.
Tứ giới không kiêng. Chỉ kiêng không để tóc dài.