Quê mình bé xíu. Hồi xưa cả huyện có mỗi 1 cái ngã tư là có đèn xanh đèn đỏ, nên thành địa danh luôn. Cứ nói: ra chỗ ngã tư đèn xanh đèn đỏ là tự khắc biết. Ở Sài Gòn mà nói ra ngã tư mua đồ, thế nào cũng bị hỏi lại là ngã tư nào, nói ra đèn xanh đèn đỏ thì mấy trăm mấy ngàn cái cột đèn xanh đèn đỏ, biết là cái cột nào.
Dọc ngã tư đèn xanh đèn đỏ có trồng mấy hàng cây. Từ hướng ngã tư chạy ra lăng Tứ Kiệt là một hàng phượng gần chục cây, toàn là phượng cổ thụ. Còn sau đó là điệp với lẫn lẫn vô mấy cây bàng đó đây.
Phượng một năm chỉ nở có một mùa, báo hè về. Học trò hái bông ép vào sách vở. Đứa nào khéo tay thì lấy bông phượng, ngắt chỗ này, ghim chỗ nọ, xé chỗ kia, là ra con bướm. Còn không thì nhị bông phượng có phần bao phấn treo lửng lơ, hai đứa ngắt hai cọng rồi chơi chọi gà. Khuề nhau, đứa nào bị rớt bao phấn trước là thua.
Bàng thì không có hoa sặc sỡ, nhưng trái bàng thì có thể dùng chọi nhau, hay buồn miệng nhai cũng tàm tạm. Tán cây bàng cũng mát mẻ hơn mấy loại cây khác. Mấy năm nào trời lạnh, cây bàng thay lá một lần, cả cây chuyển sang vàng rực rồi đỏ sẫm. Nhìn thôi cũng đủ thích mê.
Điệp thì nở quanh năm, cây không mọc cao bằng phượng hay bàng, chỉ tầm ba bốn thước là cùng. Nghĩ lại, hồi nhỏ chưa lần nào dành thời giờ để ngắm từng cái bông điệp. Chỉ lúc điệp nở rộ, cả cây ánh lên một màu vàng rực, đi ngang qua mới để ý mà thôi. Ngay lúc này, đã cố lắm mà vẫn không tưởng tượng được hình dáng 1 cái bông điệp nó như thế nào, nó có bao nhiêu cánh, cái nhị nó thế nào, nhưng hình ảnh cả một cây điệp thì rõ ràng lắm. Nhớ ra được những dáng lá giống giống lá me, nhớ ra những trái điệp màu nâu nâu, hình dáng tựa tựa trái bồ kết, nhớ luôn là hoa hay lá gì của nó cũng cực kì mỏng manh, cứ một trận gió phất qua là thi nhau rụng lả tả, bay xoáy tít trong gió. Chỉ không nhớ nổi cái bông điệp.
Đến khoảng năm mình lớp 8 thì hàng phượng cổ thụ bị đốn. Lí do: phượng không nằm trong nhóm cây cho phép trồng trên đường phố, rụng hoa lá nhiều, gây mất vệ sinh. Bàng cũng bị đốn dần. Hai thứ cây đó giờ khép nép trong khuôn viên mấy trường học, không dám ra ngoài nữa. Rồi mình đi Sài Gòn học, một lần về quê đi lang thang trên phố, chợt thấy thiêu thiếu một cái gì… Trời ạ, cả hàng điệp mấy mươi cây đâu mất, thay bằng một hàng tháp bút, thứ cây chỉ mọc cao lên, không tán, không nhành, và chắc quan trọng nhất là không rụng lá rụng hoa. Đời bây giờ đâu cần cảnh, “Lạc diệp tụ hoàn tán,… tương tư tương kiến tri hà nhật” – Lá rụng tụ rồi tán, nhớ nhau không biết khi nào gặp lại nữa. Muốn gặp lên Facebook gõ cọc cọc là tụ mấy hồi.
Giờ đi lang thang chỉ còn thấy có một vài cây bàng hiếm hoi lắm là còn lại, thứ cây mà xưa nay ta hiếm khi thấy yêu cho lắm, mà giờ là chút còn sót lại của ngày xưa, tự nhiên hóa đặc biệt trong lòng ta đến lạ. Thành ra lá không rơi, hoa không rụng, gió chỉ thổi hiu hiu, mà bụi nó vẫn tìm được đường rơi vào mắt ta. Cay xè. Không cản được.