Trong các thứ nên sửa, chắc sửa mấy câu buột miệng nói theo thói quen, còn gọi là câu cửa miệng là khó nhất. Tại hai lý do: một là dùng quen quá, thành ra không nhận thức được để mà chừa, hai là buột miệng dễ quá, nên nói ra mà không cảm được.
Cái khó thứ nhất, thì do mấy câu đó thành như kiểu thâm căn cố đế trong đầu óc rồi, nên tự nhiên quá. Không tự nhiên tới mức như hít thở khí trời, nhưng cũng tầm cỡ mặc áo cài nút hay đánh răng. Nhiều khi mình cứ nói mà không nhận ra được.
Ví dụ đơn giản nhất, là câu “đồ đàn bà”. Cái này xin được phép đổ thừa cho yếu tố môi trường. Đọc sách truyện, coi phim ảnh, hay nói chuyện với người này người kia từ nhỏ, nên câu ấy nói ra chắc cũng tới lúc hai mấy tuổi, mà chưa từng nghĩ gì nhiều hết, mà cũng không ai nhắc nhở.
Cho tới một hôm, lúc đang tập viết sao cho tường minh hơn. Thì có một đoạn về việc dùng từ, tránh việc dùng những từ mang tính ước lệ và khuôn mẫu (stereotype), tại vì mỗi người sẽ hay có những góc nhìn riêng, và sẽ dễ dẫn tới hiểu lầm. Lúc đó, nghĩ đi nghĩ lại, tự nhiên nghĩ tới câu ‘đồ đàn bà.” Rốt cuộc, khi mình nói câu đó thì có nghĩa gì?
Thì ra, mình có muốn nói họ giống “đàn bà” đâu. Câu đó bản thân hay dùng để nói những người nhỏ nhen, không phóng khoáng, hay chấp nhặt. Mà cũng có người dùng chữ đó để tả người yếu đuối, không cương quyết. Và không biết bao nhiêu người khác dùng chữ đó với nghĩa gì nữa. Trong khi đó, từng chữ “nhỏ nhen”, “phóng khoáng”, “yếu đuối”, hay “chấp nhặt” đều đầy đủ nghĩa, và diễn tả chính xác cái mình muốn. Thành ra, “đồ đàn bà” là câu vừa dở về mặt diễn đạt, vừa dở về nguồn gốc, ý nghĩa.
Có khó ở khâu này là nhận ra được mấy câu cửa miệng này, và xem lại nó dở ở chỗ nào, hay nó ổn, không cần quan tâm. Câu “đồ đàn bà” thì nó rõ rành rành phải bỏ, còn mấy câu như “nó hướng ngoại/hướng nội mà” hay “thế thời phải thế” hay “ngày mai trời lại sáng” thì phải đắn đo suy tính nhiều. Tại muốn bỏ cái gì, thì bản thân phải tin là nó không tốt đã.
Nhận ra thói xấu là khó một, mà khó hơn nữa là sửa. Nên mới nói tới cái khó thứ hai với những câu cửa miệng, là buột miệng nó dễ quá, nhiều khi đầu nó suy nghĩ rồi lưỡi nó bung ra luôn.
Không nói nghiện thuốc lá hay cà phê dễ cai hơn, nhưng mà ít ra nghiện mấy thứ thực tế, thì ít ra còn cố tránh xa được. Nhưng mấy câu buột miệng này nó nằm trong đầu, mà đầu thì để đó, không cắt đi giấu chỗ nào cho đặng. Cái này, thành thật mà nói, mình vẫn không biết cách tốt để chữa. Nếu nói câu cửa miệng là thói quen, thì cách tốt nhất là tập thói quen khác.
Quay lại, ví dụ về câu “đồ đàn bà,” thì có ba thứ phải làm. Một là nhận thức là dùng từ đó là điểm yếu về từ vựng và diễn đạt, để có động cơ sửa chữa. Hai là hiểu rõ dùng từ chính xác nó lợi thế nào, và hiểu rõ mình nên dùng từ gì để diễn tả ý mình cho đúng. Ba là, như với nhiều thói quen khác, ứng dụng tăng cường hành vi (reinforcement). Kiểu tập làm sao mỗi lần mình lỡ dùng những câu đó, thì mình phải lưu ý được để mà làm một bộ bài tập trong đầu để trị riêng cho bản thân.
Có cái bước thứ tư nữa, mà làm không tới nơi tới chốn được. Giống như để cai thuốc lá, thì nên tránh tiếp xúc với các bạn hút thuốc lá (ít nhất là không tiếp xúc khi họ đang hút thuốc). Nhưng mà để không tiếp xúc với các bạn cũng có câu cửa miệng tương tự thì khó hơn nhiều.
Lấy cái ví dụ khác cho gần gũi hơn. Nhiều người bạn của mình có một câu cửa miệng là “đồ bê đê”, “đồ bóng.” Cái này, mấy bạn dị tính thì không nói, mấy bạn đồng tính cũng dùng, mà có phần còn dùng nhiều hơn nữa là khác. Chắc vì mấy bạn đồng tính thì khi dùng ít tự thấy phản cảm hơn.
Nếu là cai thuốc lá chẳng hạn, thì có thể dễ dàng nói, “Mình đang cai thuốc lá, bạn chịu khó không hút nhé.” Thành ra mình cũng có lúc hễ nghe người khác dùng những câu đó là lưu ý với họ. Nhưng không thấy thành công mấy.
Chợt nhận ra, mình bỏ qua một yếu tố: là họ phải nhận thức được cái đó là không tốt, thì mới có tác dụng dài lâu. Nhưng mà chuyện tốt hay không tốt, như kể ở trên, để ra quyết định thì bản thân mình cũng từng đắn đo, không biết câu nào là xấu nên bỏ, câu nào không sao, có thể để lại. Thì với họ cũng vậy, mà họ có khi còn không quan tâm để đắn đo nữa mà.
Tính ra, cũng không đủ quan tâm tới người xung quanh đủ nhiều, nên lại rút về câu cửa miệng mà bản thân không bỏ, “thế thời phải thế”. Tự nhủ lòng, bình thời, đời có trăm ngàn việc, chỉ có một hai việc là thành. Nên quyết sống “chân phương thôi.”
Tại trước sau gì, mà chẳng thế thời phải thế?