Có dạo, không biết mình là ai hay cái gì, hay đọc mấy sách về tìm kiếm bản thân lắm. Thời đó cho tới tận thời nay, có một cái nhảm nhỉ nhăng nhít mà ai cũng bị lừa không ít thì nhiều, là cái MBTI. Nhưng mà nó cũng như mật ngọt vậy, làm quanh quẩn thế nào rồi sẽ được gắn cho mình một trong 16 cái nhãn, INFJ, ENTP, hay ISTJ gì đó.
Rồi sẽ đọc miêu tả của mấy cái nhãn đó, cảm giác có chút hân hoang biết về mình thêm một chút. Đó giờ mình hay hành xử như thế này, ra là do vậy. Đó giờ mình chọn sai thứ để làm, hèn chi hoài không thấy hợp. Tệ chút chút thì nghĩ là vì mình được gắn cái nhãn như thế, nên mình mới làm thế. Còn tệ hơn nữa là, mình lỡ làm thế, nhưng cũng tại mình có cái nhãn như thế, chứ không trách mình được.
Ngẫm ngẫm ra cái nhãn gắn lên người nó cũng như mấy cái nhãn vô nghĩa “không có MSG” hay “không dùng thực phẩm biến đổi gene” trên gói đồ ăn vậy. Cũng không dựa trên cơ sở nào. Cái nhãn trên gói đồ ăn nó hù mấy người dễ tin. Cái nhãn gắn lên người thì hù mấy người loanh quanh lạc lối, cần cái nhãn để biết mình là ai. Cũng không biết cái nào hại hơn cái hại nào.
Người khác thì thế nào không rõ, còn tự mình thì một ngày nọ ngộ ra rằng, không có, hay có mấy cái nhãn đó thì mình cũng lạc lối. Thì thà rằng lạc lối mà không có nhãn, để tự chịu trách nhiệm hết mấy cái hành động của mình còn hơn là đổ thừa cho cái nhãn tự gắn hay người ta gắn lên.
Chuyện mấy cái nhãn bâng quơ vô nghĩa là một đằng, cả những cái nhãn vốn có ý nghĩa, mà việc phụ thuộc vào nó cũng gây hại không ít thì nhiều.
Cái nhãn vốn dĩ gốc gác của nó là đường tắt, có thể nhìn vào nhãn đó mà biết thêm nhiều về một vật. Loài chó được gắn cái nhãn “động vật có vú” thì tự nhiên nhìn vào đó có thể biết khá nhiều về chó, dù có thể chưa tìm hiểu kĩ bao giờ.. Nhưng mà trong khoa học, khi mà hệ thống nhận thức được đồng ý chung nó chặt chẽ thì ổn. Còn trong đời sống, khi mà mười người có hơn trăm ý, thì cái nhãn nó thành ra con đường tắt đến muôn vàn sự hiểu lầm. Như kiểu mọi người nghĩ chim thì phải biết bay, vậy cánh cụt hay đà điểu hay kiwi thì không phải là chim? Nhưng mà cái chim phải biết bay là thường chúng, còn hệ thống khoa học thì nó định nghĩa khác.
Hay gặp nhất để làm ví dụ chắc là chuyện hướng nội/hướng ngoại. Nó có cả hai chiều, “Nhìn mày vậy chắc hướng ngoại hả?” lẫn “Hướng nội nên chắc thích cái này hả?” Tại vì, hướng ngoại/nội trong đầu họ có thể có 10 tính chất chẳng hạn, và khi một người bộc lộ một phần, thì họ gắn luôn cái nhãn ấy lên, là gắn luôn tất tần tật mấy cái tính chất kia lên.
Cái nhãn hướng nội, hướng ngoại, nó đẩy người ta tới việc hướng nội thì phải thế này, hướng ngoại thì phải thế kia. Thay vì hỏi một người liệu họ có thích làm hoạt động A hay không, thì định kiến về cái nhãn ấy hay đẩy tới việc nghĩ là “hướng nội thì làm sao thích A cho được?” Cũng giống như cái nhãn gay vậy, bản chất nó chỉ nói về việc người đó có luyến ái với người cùng giới tính không. Còn chuyện họ có mềm mỏng, thích hào nhoáng, mê nhạc kịch, ham nhảy nhót, yêu màu tím, thích màu hồng, vân vân và vân vân, là định kiến có sẵn đi kèm thôi.
Có cái hay nói là, đường đâu tự có sẵn, người ta đi mãi thành đường mà thôi. Nhiều khi cũng tự hỏi, có khi mấy cái định kiến đi kèm một cái nhãn nhất định có phải cũng thế. Không phải có sẵn, mà tự nhiên ai cũng trông đợi mà nó lại hóa ra thành lối đi cho người có cái nhãn đó.
Có dạo, cũng thích cãi nhau với người quen lẫn lạ về mấy cái nhãn này. Kiểu muốn phản đối không để người khác gắn nhãn lên mình. Phản đối luôn việc họ buộc mình phải thấy nhãn gắn lên họ. Chán ngán cả việc bị hỏi, “Em chắc là ENTJ hả?” lẫn việc nghe họ nói, “Tui thấy tui hướng nội mà.” Mệt không kém chuyện nghe “ăn bột ngọt bị nhức đầu.”
Nhưng mà sức mạnh của thiên kiến và tư duy tập thể nó mạnh quá, riết thành ra bỏ cuộc. Kiểu giờ ai hỏi mình MBTI là gì, lười thì nói không tin, còn nghịch ngợm chút thì nói đại một cái nào cũng được. Ai hỏi hướng nội hay ngoại, thì nói hướng nội, rồi tùy hứng mà dừng ở đó hay thêm một mớ chi tiết để người ta tự vấn, “Ủa, vậy sao hướng nội vậy trời?”
Nghĩ lại thì mình có vô số định kiến với những người “dị ứng MSG”, “không tin vắc xin”, hay “Trái Đất phẳng”, thì cũng không khác việc định kiến đi kèm việc gắn nhãn lên người khác lắm. Cũng muốn đổ thừa cho cái bộ não con người nó được thiết kế như vậy, rồi người ta tận dụng cái sơ hở đó của bộ não lỗi lầm mà làm nên vô số định kiến gắn lên vô số cái nhãn khác nhau.
Mà đổ thừa không đặng.
Rốt cuộc, nhận ra một cái chân phương, là cứ sống bất chấp thôi. Miễn thoải mái với chính mình, và ai mà mình và họ cả hai chiều thoải mái được với nhau, thì giao lưu. Vậy có phần nhu nhược, nhưng dễ sống hơn.
Chắc cũng gắn cho mình cái nhãn là “chân phương.” Chỉ không biết bàn dân thiên hệ sẽ ghép cho cái nhãn đó những định kiến gì.