Chuyện buồn vô cớ, chuyện tại sao, và chuyện đừng hỏi tại sao

Hồi nhỏ, không biết depression là gì đâu. Phải hơn 20, biết mình hơn, rồi nhìn lại, mới hiểu những đợt buồn dâng trào như biển là gì. Chỉ nhớ, mỗi lần bâng quơ thấy đời buồn như mực, thì hoặc cầm quyển sách rồi trốn nhà ra ngồi trên thành cầu dọc quốc lộ 1A, hoặc cũng sách, nhưng vớ thêm cây đèn pin, rồi trốn trong tủ quần áo. Một bên là ồn ào, muôn màu muôn sắc, muôn vạn chuyển động. Một bên là yên tĩnh, bóng tối, và không chút động đậy. Một đằng thấy mình tan ra, hòa làm một với thế giới này nên không sợ gì nó nữa. Một đằng là sống trong một thế giới riêng, nhỏ bé, nhưng không ai chạm tới được.

Hồi cấp 3, hay đạp xe dọc theo Điện Biên Phủ, cho tới đoạn đường lớn, đêm về vắng người, chỉ có từng đoàn xe tải chạy băng băng. Lúc đó ráng đạp hết tốc lực. Tưởng nhanh đến một mức nào đó, không còn thời gian thì xe sẽ không dừng, không còn không gian, thì cũng không còn điểm kết. Xe lại không thắng, nên nếu đường không vắng thì không chừng một chuyến xe lại thành mãi mãi thật lắm. Cái này thành tật, đến lúc bắt đầu đi xe máy, lúc nào cũng có suy nghĩ rồ ga hết mức. Thi thoảng phải dừng xe dọc đường chỉ để thở. Ráng kiềm được hơn một năm thì bỏ cuộc, không đi xe máy nữa.

Hồi nhỏ, không biết vì sao mà buồn. Lớn lên, biết mình buồn vô cớ. Thì ra nó cũng không khác mấy. Thành ra tật không thích hỏi tại sao, mà chỉ cần quan tâm như thế nào thôi. Thấy vậy mà nhẹ nhàng. Thích ai thì thích. Mê phim nào thì mê. Ghiền thú vui nào thì ghiền. Từ cá nhân, nó lây sang cả công việc, nên tánh thích từ miêu tả vấn đề mà ra giải pháp, trị bề mặt trước, từ từ xuống đến gốc sau.

Nhưng mà nhìn lại, thấy người ta hỏi tại sao nhiều lắm, bớt một người cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Người ta đi tới gốc để làm việc lớn. Mình ở ngoài kéo thêm giờ để người ta có thời gian đi tới gốc. Người ta thích đi sâu, mình thích đi kèm dọn đường cho người khác đi sâu. Giống trị bệnh, phải có bác sĩ cầm dao cắt mổ tận gốc, thì cũng cần người hòa hoãn mà trị triệu chứng. Giống vật lý, có vật lý lý thuyết thì cũng có ứng dụng, có khoa học, thì cũng có kỹ sư vậy.

Càng so sánh, càng thấy vụng về, tại xa xôi quá, mà cũng dễ gây tranh cãi quá. Chợt nghĩ, gần gũi nhất là so sánh nó giống như depression mãn tính, tới giờ vẫn chưa tìm ra gốc, chỉ có cách đối phó với chứng thôi. Mà một khi chấp nhận được điều đó, là tạm đủ để sống, thi thoảng buồn, thi thoảng vui, mà qua ngày rồi.

Có cái là, dù cố lắm, vẫn không bỏ cái mệt mỏi vì định kiến với depression được. Thấy come out là gay/bi dễ hơn nhiều. Một phần, tại giờ áp lực xã hội nhiều người phải chấp nhận. Một phần, vì nó cũng dễ hiểu. Gay thì thích người cùng giới. Bi thì có thể đổ được cả hai chiều. Còn come out là depression nó khó. Phần nhiều vì nó bị coi là yếu đuối. Người ta cho là buồn vì không đủ mạnh mẽ để vui. Và người ta sẽ lại hỏi tại sao, nhiều khi là bâng quơ, lắm khi là vì thương hại, và đôi khi là thực lòng muốn giúp. Mà thực ra có cần câu hỏi tại sao đâu? Chỉ cần chữ, “Okay” là được rồi. Tại bình thời, người ta cần chấp nhận, chứ có cần cứu rỗi đâu. Nếu không hỏi tại sao có người thích cả trai lẫn gái, thì cũng không cần hỏi tại sao lại buồn vô cớ. Nhiều khi vô tình nghe những lời bình vớ vẩn về depression, không thấy khác “gay conversion therapy” lắm.

Dạo này, có nhiều thử nghiệm mới điều trị tận gốc depression mãn tính. Có khi một ngày nào đó không xa, có người đi tận gốc, trả lời được câu hỏi tại sao. và trị luôn cho dứt, thì sẽ vừa mừng, vừa sợ. Mừng thì không biết tại sao, còn sợ, tại không biết nếu không buồn vô cớ nữa, sẽ vì đâu mà buồn?Chuyện buồn vô cớ, chuyện tại sao, và chuyện đừng hỏi tại sao