Mẹ báo tin, bà Năm hôn mê sâu. Bác sĩ đã bảo gia đình mang về nhà. Gắng thu xếp sang gặp bà lần cuối.
Bà Năm là em của ngoại tôi. Ngoại là chị lớn, bà cố mất sớm, nên ngoại thay mẹ nuôi các em khôn lớn. Bà Năm, rồi ông Tám, ông Mười đều lên Sài Gòn lập nghiệp, chỉ dịp giỗ mả mới về thăm ngoại. Mỗi lần bà Năm về, tối đến, ngoại giăng mùng, rồi hai chị em nằm trò chuyện.
Ông Sáu, bà Chín, rồi ngoại mất. Anh chị em dưới quê không còn ai, bà Năm lâu lắm cũng không về thăm nữa.
Hồi ấy, Tết nào ngoại cũng gửi cho các em trên Sài Gòn đủ thứ quà, bắt buộc phải có là lạp xưởng và thịt phơi khô nhà làm. Anh em ở Sài Gòn cũng gửi quà về. Tết nào cũng từng ấy thứ, thành ra quen thuộc lắm, hương vị mỗi thứ đều không quên được. Quà của ông Tám là cà phê và mấy hộp bánh lạt. Của ông Mười là nem chua Thủ Đức với bánh nậm nhân đậu. Của bà Năm là mấy gói mì trứng. Mì ấy luộc ăn không với ít nước tương cũng đủ xuýt xoa. Ngoại hay ram thêm ít thịt trộn lên với giá và vài cọng ngò là thành một bữa ngon.
Hồi học cấp 3, dịp cuối năm, tôi lại cùng các chị sang để chúc Tết bà Năm, và gửi và nhận quà năm mới. Hồi học Đại Học, mỗi khi về Sài Gòn, mẹ đều nhắn tôi ghé nhà bà thăm hỏi. Lần nào bà cũng hỏi có người yêu chưa và cũng bắt hứa cho bằng được đừng có ở lại nước ngoài. Phải về làm việc ở đây để gia đình sum họp. Lần nào tôi cũng cười cười nói đời đưa đâu con đi theo đó.
Nhưng hôm nay, những kí ức ấy trong đầu tôi chỉ nhạt nhoà, phải cố lắm mới nhớ ra được. Nhìn mẹ ngồi khóc bên giường bà, trong đầu tôi chỉ chiếu đi chiếu lại một hình ảnh bâng quơ không có ý nghĩa nào. Hôm ấy nhà bà Năm có đám, cũng không nhớ rõ là đám gì. Ngoại dẫn tôi theo. Trong lúc đợi thì bà Năm pha cho tôi ly sữa. Tôi sểnh tay đánh rơi. Ly sữa vỡ, chảy ra lênh láng trên sàn. Chảy hoài. Chảy hoài. Không ngưng.