Trong trăm vạn cái buồn, chắc khó giải thích được nhất là cái buồn vô cớ. Tại những cái buồn khác có thể lý luận được, thuyết phục được. Còn cái buồn vô cớ nó không thèm theo một lề lối nào. Tại nó vô cớ mà?
Hồi nhỏ, hay cầm sách, lén gia đình ra ngồi dưới chân cầu ngay quốc lộ 1A. Có hôm đọc sách vui, có hôm đọc sách buồn. Có hôm đọc Phong Thần Diễn Nghĩa vô thưởng vô phạt, không buồn mà cũng chẳng vui. Trước mặt chỉ có ngàn chiếc xe lao vun vút. Vậy mà nhắm mắt lại rồi nước mắt tự nó chảy ra. Nước mắt chảy ra, nên nghĩ là mình buồn, mà không biết tại sao. Lớn lên chút, mới biết không cần biết tại sao cũng có thể buồn.
Kiểu Kiều khóc vì Đạm Tiên, thì Thúy Vân, còn trách được là, “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.” Còn tự dưng mà khóc, thì không biết Vân sẽ nói gì luôn. Còn như Trần Tiến, thì ổng sẽ hát là. “Có một nàng tiểu thư con quan, sống giàu sang, đời sung sướng vô vàn… Cô suốt ngày soi gương, soi gương, tìm nỗi buồn trong thi ca văn chương, cô không buồn thì chết mất, “
Mà buồn chỉ để buồn có khi lại tốt. Càng lớn lên, cái buồn càng trần tục. Buồn vì điểm kém. Buồn vì người yêu hóa bướm bay đi. Buồn vì làm ba mẹ buồn. Buồn vì thất nghiệp. Cái buồn vô cớ khó chịu năm nào, tự nhiên thành ra trong trẻo. Tại nó là cái buồn thuần túy, buồn vì buồn thôi.
Kiểu tình yêu thuần túy trong tiểu thuyết, yêu chỉ vì yêu mà không vì lý do nào khác, nó khó tìm lắm a. Còn cái buồn vô cớ nó tự nhiên như hít thở. Mà nó cũng không bị hạn chế, không phải buồn trong công việc, hay đời tư, hay buồn dư nước mắt khóc người dưng. Thành ra nó miên man không dừng.
Hồi xưa, nghĩ tới cái buồn trong trẻo, hay nghĩ tới thơ Xuân Diệu, hay nghĩ tới nhạc Trịnh hay Trần Tiến. Thời nay, buồn mà không nghĩ gì nữa, tại buồn thành thói rồi. Mặc định là buồn, có điều kiện đúng thì xen kẽ vào những nốt nhạc vui đơn lẻ.
Buồn vô cớ, nói cho cùng vẫn tốt hơn là vui vô cớ. Tại niềm vui vô cớ thì mất rồi biết tìm ở đâu? Thành ra cứ miên man trong nỗi buồn vu vơ, rồi tìm điều kiện để mình vui, có phải hơn nhiều lắm không?