Bên Tàu có chuyện hai ông Lưu Thần, Nguyễn Triệu đi lên núi, lạc vô chỗ Thiên Thai, gặp tiên, lấy làm vợ. Về sau chán đi về quê thì mấy trăm năm trôi qua. Về lại núi thì không tìm được Thiên Thai nữa.
Lại có chuyện người đánh cá đi lạc vô một hòn đảo trồng đầy hoa đào, gọi là Đào Nguyên, trên đó có một nhóm người sống biệt lập mấy trăm năm từ thời Tần chiến tranh loạn lạc. Chốn đó không có tiên, chỉ có người với người, nhưng không có chiến tranh, không có ganh đua. Người đánh cá đi về rồi kể chuyện đó, nhưng không ai tìm lại được.
Ông Văn Cao bên mình lấy chuyện Lưu Nguyễn làm bài hát, đặt tên là Thiên Thai. Thường thường hay nghe bản của Thái Thanh rền rĩ giữa đêm, “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng, Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên.”
Nghe riết thành quen. Dù Lưu Nguyễn thì lạc Thiên Thai, chứ không lạc vô Đào Nguyên. Nhưng chắc quên đi cái câu chuyện đằng sau mỗi cái tên đó, thì chỗ nào người người hạnh phúc bình an, thì vườn đào là tiên cảnh, mà tiên cảnh cũng chỉ cần như vườn đào mà thôi.
Bên Nhật có cổ tích về Urashima Taro cũng giống giống vậy. Không rừng đào, không tiên cảnh, mà là cung điện dưới đáy biển. Cuối truyện, Urashima mở cái hộp được tặng, một làn khói bốc ra, ổng già lão, rồi chết.
Còn bên Tây, cũng có mô típ truyện lạc vào thế giới khác, rồi trở lại bị xa lánh. Chuyện của ông thi sĩ hát rong Tannhauser, sống ở thành phố của thần Vệ Nữ mấy năm.
Nhưng mấy câu chuyện bên Á thì khi người lạc trở về bị ngăn cách bởi thời gian, thì bên Âu, ông Tannhauser bị ngăn cách bởi lối sống và đức tin. Trở về, thì ông bị xa lánh, kì thị, bị coi là sa đọa. Tại ông quen thói không ca ngợi kiểu tình yêu săn đuổi nhau để cưới nhau nữa, mà ngợi ca kiểu tình yêu nồng cháy, nhục dục. Ông bị bắt phải đi gặp Giáo Hoàng để xin tội.
Cuối truyện đó thì ông Giáo Hoàng nói chừng nào cây gậy của ổng nở hoa thì ông Tannhauser được tha thứ. Ổng tưởng nói vậy là không bao giờ được, có phiên bản thì ổng hối hận mà chết, có phiên bản thì ổng về lại thành phố thần Vệ Nữ, từ đó về sau không ai gặp nữa. Mà bản nào thì cũng sau khi ổng đi rồi, thì cây gậy ông Giáo hoàng nở hoa ra thật.
Cây gậy là vật chết mà nở hoa, cũng như những mô típ quen dùng. Kiểu bên Tàu hay có chuyện nhà oan khuất bị đem ra chém, thành ra ông trời cho tuyết rơi giữa mùa hè. Chỉ chuyện không thể nhưng mà làm nhờ “ý trời” mà được. Lấy cái siêu nhiên để ông trời hay thần thánh đưa ra ý kiến.
Nhưng mà, nhìn cho rõ lại, cây khô không nở hoa được, tuyết không rơi mùa hè (trừ khi ở bên kia bán cầu) được, nhưng tha thứ là việc người làm được. Thành ra ý là giả như của trời, nhưng mà quyền thì vẫn ở người mà thôi.
Mà chung quy lại, phiên bản nào thì cũng xoay quanh cái mâu thuẫn căn bản nhất từ thời xã hội mới ra đời: ta với họ.
Chỉ là cũng cái mâu thuẫn đó mà trong 2 phiên bản thì cái niềm đau nó tương phản nhau: Lưu Nguyễn đau khổ vì thời gian đã làm ta khác họ, ta lạc lõng, ta không còn chút thân quen. Còn Tannhauser khổ sở vì ta không được khác họ, ta bị bắt buộc phải vào cái khuôn khổ giống họ.
Đó giờ không biết Tannhauser Gate trong đoạn độc thoại cuối cùng của Roy Batty, Nước mắt trong mưa (Tears in Rain), trong Bladerunner có phải là cố ý không. Mà chắc là có.
Kiểu Lưu Nguyễn lạc núi rừng, kiểu Urashima phút chốc già lão rồi tan biến, cũng giống như Tannhauser từ đó về sau không ai gặp nữa, cũng biến mất như nước mắt trong mưa.
Cánh hải âu trắng bay trong mưa ngay sau đoạn độc thoại đó, người ta hay nói là muốn gợi ý đến tôn giáo, kiểu hải âu tìm đảo lành cho Noah’s Ark. Cái đó chắc cũng không sai.
Nhưng nhìn cánh hải âu trong mưa mình chỉ nhớ đến cây gậy nở hoa của Tannhauser.
Thời xưa, để có thế giới khác, thì tác giả hay nói lạc vào hoang đảo hay lạc lên núi. Thời nay, đảo hoang hiếm hoi, núi non thì du khách đi nhẵn mặt, núi cao thì có những tụ leo núi, trekking rồi. Mạng xã hội và Internet còn phụ trợ lên, nên đến ẩn trong nhà cũng khó mà tách biệt với thế giới bên ngoài được. Văn hóa giao thoa, nên giờ vừa phải sợ ta khác họ, vừa phải sợ ta giống họ.
Tự nhiên nhớ phim Ma Vực Đào Nguyên của Lưu Đức Hoa hồi xưa, cuối phim thằng nhân vật chính lẩm nhẩm, “Không lẽ thế gian này không có Đào Nguyên được sao?” rồi tắt hơi chết luôn.
Hay có lời khuyên, coi nó là Đào Nguyên, thì nó là Đào Nguyên. Nhưng đời có phải nghĩ vậy là được vậy đâu. Tự lừa bản thân lúc thì dễ, lúc thì khó lắm a.
Tại, nếu mình tin thì không phải là lời lừa dối. Mà lừa dối thì dễ, còn tin thì có dễ đâu.
Có người nói đùa mà cũng thật, với điện thoại thông minh bây giờ, và kiểu ứng dụng được tối ưu hóa trải nghiệm để điều hướng người dùng, thì con người giờ không khác android mấy. Có khi chúng ta đã là android rồi mà không biết. Tại cũng đã có lắm đêm mơ thấy màn hình điện thoại rồi.
Người bây giờ, nằm mơ thấy con cừu mà họ thấy qua màn hình thì nhiều, còn mơ thấy con cừu thật có bao nhiêu?
Mà có ai biết con cừu nào là thật đâu.